|
Khiêu gợi không đúng chỗ
|
Trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào của thời đại nào cũng đều có sự cạnh tranh. Với các loại hình dịch vụ, kinh doanh thì sự cạnh tranh đó càng gay gắt. Bởi thế, ngoài chất lượng, giá cả, người ta còn phải nghĩ đến những chiêu thức tiếp thị cũng nhằm để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức quảng cáo có văn hóa, vẫn còn lắm những chiêu thức gây phiền hà cho người khác…
Từ ngoài đường phố
Khi dừng lại ở ngã tư chờ đèn đỏ, thỉnh thoảng người đi đường được những nhân viên tiếp thị dúi vào tay các mẩu quảng cáo tờ bướm, tờ rơi quảng cáo dịch vụ, sản phẩm của công ty họ. Cũng lắm khi đang chạy xe trên đường cũng được một “xe tiếp thị” chạy ngang dúi vào tay những tờ như thế. Còn vào siêu thị thì… ôi thôi, nhận mệt nghỉ những quảng cáo sản phẩm mới, dịch vụ khuyến mãi, giảm giá, bán đồ trả góp, các chương trình giải trí, dạy kèm… Gửi xe vào những nơi như công viên, bệnh viện, chợ… khi trở ra cũng thường bắt gặp trong giỏ xe những tờ quảng cáo, thậm chí có khi sau đuôi xe còn bị dán cả logo của công ty dầu nhớt! Rồi ở những gốc cây, ngã ba, ngã tư cũng luôn chen chúc đủ màu những băng rôn quảng cáo phim, ca nhạc, chiêu sinh… Ở các cột điện, vách tường thì đầy những tờ quảng cáo dạy kèm, khiêu vũ, khoan cắt bê tông, sửa nhà, rút hầm cầu… loạn xà ngầu cả lên!
|
Trưng bày sản phẩm kiểu này trông rất "phô"
|
Một lần vào siêu thị tôi được hai nhân viên tiếp thị của một công ty mỹ phẩm chặn lại ở cửa để “Mời chị đến chăm sóc da miễn phí ở công ty em.” Sau khi nhận phiếu “chăm sóc da miễn phí”, các cô lịch sự xin số điện thoại của tôi. Vài hôm sau đó, tôi liên tục nhận được điện thoại của công ty ấy “Xin chị cho chúng em một cuộc hẹn để công ty chúng em được chăm sóc da cho chị!” Nghe những lời như thế ai mà chẳng… siêu lòng, nhưng kỳ thực tôi chưa thu xếp được thời gian để đến đấy. Đem chuyện kể cho một cô bạn nghe, cô ấy kêu rằng: “Trời ạ, mình cũng đã gặp trường hợp ấy! Biết là vào đấy thế nào họ cũng “dụ” mình mua mỹ phẩm, lòng đã dặn lòng không được… mềm yếu, thế mà sau màn chăm sóc da, mình phải bỏ ra gần 500 ngàn để mua những mỹ phẩm không cần thiết!”
Mới đây, cũng ở cửa siêu thị, tôi được một cô gái nọ dí vào tay 2 tấm namecard quảng cáo “Dịch vụ điều tra thông tin và cảnh báo mối nguy”. Mặt trước chỉ ghi dịch vụ như thế và một số điện thoại di động thuộc mạng S-phone; không hề có tên tuổi, địa chỉ của dịch vụ cũng như “chủ nhân” của số điện thoại 095881487… kia. Mặt sau ghi nội dung của dịch vụ gồm: điều tra ngoại tình, thân nhân cá nhân, theo dõi con cái, theo dõi con nợ… Tôi thực sự không hiểu đây là kiểu “làm ăn” gì!
Đến những chiêu thức tiếp thị
Nói đến chiêu thức tiếp thị thì có đến… 1001 kiểu và tất nhiên không kiểu nào giống kiểu nào, bởi tùy theo sản phẩm, tùy vào đối tượng khách và tùy vào… tư duy của công ty, đơn vị mà có những hình thức quảng bá khác nhau! Mỗi sáng mở cửa đi làm và khi chiều về, tôi thường thấy trước hành lang nhà mình những tờ bướm, tờ rơi… mà nhiều nhất là namecard của những cơ sở lắp ăngten, bảng giá gạo, nước, thực phẩm gia đình… Rất bực bội vì thấy lúc nào hàng lang nhà mình cũng có… rác, nhưng mấy năm nay chưa lần nào tôi bắt gặp tận mặt những “thủ phạm” hay lén lút quẳng những thứ ấy vào nhà mình. Đấy là dạng làm ăn của những “dịch vụ”, còn với những công ty trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chiêu thức tặng mẫu dùng thử, mời ăn, uống thử (tại các siêu thị, hội chợ)… xem ra rất phổ biến.
|
"Khổ thân cho cột điện"
|
Nói về chuyện được tặng mẫu dùng thử, tôi được một anh bạn kể nghe một câu chuyện thật… buồn cười. Hôm nọ khi anh ấy đang ngủ trưa thì nghe tiếng gõ cửa gấp. Mở cửa ra thì gặp hai cô tiếp thị. “Em là nhân viên của công ty băng vệ sinh X., xin gửi gói quà tặng…”. Anh bạn tôi từ chối vì anh ấy chưa vợ và trong nhà cũng không có ai là phụ nữ, nhưng hai cô kia vẫn… vui vẻ: “Anh nhận rồi tặng bạn gái cũng được mà!” (?!). Không chỉ có anh bạn tôi mà nhiều người quen khác cũng rất bực mình vì các cô, cậu tiếp thị cứ canh gõ cửa vào giờ nghỉ trưa hoặc gia đình người ta đang ăn cơm tối. Cũng với sản phẩm băng vệ sinh, một lần thằng em trai của tôi đang học cấp ba, mua một tờ tạp chí nọ lại được tặng kèm một miếng… “siêu mỏng, siêu thấm”. Bực mình về nhà nó cứ lẩm bẩm mãi “Báo chí là món ăn tinh thần, vậy mà không hiểu sao người ta lại “nhét” cái thứ ấy vào!”.
Rồi việc in hình người đẹp trong trang phục hở hang, bốc lửa cũng thấy nhan nhản thường xuyên trên các tờ vé số, hộp quẹt gas… thậm chí có công ty phân bón nọ dùng hình người đẹp mặc bikini để in trong tờ bướm quảng cáo thuốc… kích thích sinh trưởng cho cây (?!). Mùa Euro này cũng là dịp để các nhà doanh nghiệp thi nhau quảng cáo qua truyền hình, báo chí. Một số đơn vị, cơ sở… nho nhỏ thì chọn hình thức quảng cáo khác đó làm bảng lịch thi đấu Euro. Bảng lịch thi đấu này được các sạp báo “phân phối” hộ bằng cách “nhét” vào trong tất cả các tờ báo có doanh số bán cao. Nhìn qua một số đơn vị tham gia vào việc quảng cáo này, thấy có cả trung tâm nha khoa – một đơn vị chẳng dính dáng gì đến đá bóng!
Ngoài những kiểu “trực diện”, họ còn tranh thủ tiếp thị qua điện thoại mà một vài năm gần đây khi phong trào mua bảo hiểm phát triển, nhiều người cũng đã rất bực mình. Những “đại lý bảo hiểm” có mặt khắp nơi khắp chốn, nếu họ quen được bạn, vớ được số điện thoại cố định (số di động họ ít gọi hơn vì tốn tiền nhiều hơn) của bạn và biết bạn chưa mua bảo hiểm, hoặc mua rồi nhưng chưa đủ, họ sẽ liên tục “tấn công” bạn, cũng vào những giờ bạn có mặt ở nhà và cần nghỉ ngơi.
… và trên truyền hình
Trong rất nhiều hình thức quảng cáo, tiếp thị thì có lẽ quảng cáo trên truyền hình là hiệu quả hơn cả, bởi thế chi phí cho loại hình quảng cáo này cũng rất cao. Mỗi một lần phát sóng (30 giây) có giá thấp nhất là 600 ngàn đồng và mức cao nhất là 30 triệu, tùy theo giờ và chương trình phát sóng. Những giờ chiếu phim cuối buổi chiều, game show được gọi là giờ “cao điểm” và mức giá quảng cáo của những giờ này thường ở mức 14 - 30 triệu/ lần. Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập ở đây không phải là hình thức mà chính là nội dung của một số quảng cáo. Nói một cách khái quát, quảng cáo là sản phẩm văn hóa, sản phẩm của trí tuệ và cái sản phẩm văn hóa trí tuệ ấy phải gắn liền đời sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
|
Vách tường luôn bị "khoan cắt bê tông"
|
Thế nhưng trên thực tế đã có không ít những mẫu quảng cáo hoàn toàn ngược lại những điều này và vô hình trung, nó đã hướng lớp trẻ đến những giá trị phù phiếm, xa hoa, thậm chí còn chối bỏ cả nguồn cội của mình. Có những hình ảnh như một cô gái đầy tự mãn khi được sử dụng loại băng vệ sinh ấy đã làm bao chàng trai đắm đuối khi xuất hiện nơi công cộng. Hay như quảng cáo một sản phẩm làm trắng da, một cô gái được chàng trai chú ý, mời đi dạo và cưới làm vợ chỉ vì cô ta có làn da trắng. Có khi ngửi một mùi hương mà anh chàng nọ tương tư suốt mấy ngày đêm. Rồi nào là “da trắng như em bé… sờ thử xem!”, nào là “điều tôi muốn bây giờ là sang trọng và sành điệu!”… Hình ảnh những cô gái da trắng, tóc vàng, mùi hương quý phái, sang trọng… gần như đã “tiêu chuẩn” trong xã hội hiện nay; cũng như phải đi xe ấy, uống loại nước ấy, xài sản phẩm ấy… mới được xem là sành điệu!
Với những nội dung quảng cáo như thế, song song với những hiệu quả đạt được thì những vấn đề tiêu cực tác động và ảnh hưởng đến tâm lý giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh rõ ràng là không nhỏ. Có lần đến chơi nhà người chị họ, tôi hết hồn khi nhìn đứa cháu mới 3 tuổi đã biết lấy thanh gươm đồ chơi múa máy rồi kề vào cổ mẹ nó, bảo “Chém!”. Bà chị bảo rằng nó bắt chướt một kiểu quảng cáo mì trên tivi, bao giờ muốn ăn bất cứ một thứ gì nó cũng lấy gươm ra “múa” như thế!
Vào cuối năm 2002, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng chấn chỉnh lại những hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời, nhưng trên thực tế, mặc dù đã có cải thiện, song vẫn còn nhiều những bê bối không đáng có. Đấy rõ ràng là những vấn đề thuộc về ý thức, mà nói như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng “Khi những vấn đề thuộc về ý thức thì khó lòng dùng biện pháp hành chánh mà phải nhờ vào phương pháp tuyên truyền, giáo dục…”.
Bài, ảnh: TRÚC LINH |