Theo Người Lao Động - Mãi lực của các ngành hàng thường xuyên như gạo, đường, bột ngọt tăng từ 73% lên 75%, trong khi mãi lực của các ngành hàng không thường xuyên...
Mãi lực của các ngành hàng thường xuyên như gạo, đường, bột ngọt tăng từ 73% lên 75%, trong khi mãi lực của các ngành hàng không thường xuyên như kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, quần áo giảm từ 27% xuống còn 25%
|
Người tiêu dùng đắn đo trước khi mua sản phẩm làm đẹp. Ảnh: H.THÚY |
“Lạm phát cộng với hàng loạt diễn biến phức tạp của giá cả thị trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen mua sắm của người dân. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đã có những thay đổi rõ rệt”. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và các giải pháp ứng biến với tình hình lạm phát” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tổ chức ngày 25/7 tại TPHCM.
Sức mua kem dưỡng da, quần áo giảm mạnh
Kết quả nghiên cứu thói quen tiêu dùng do Saigon Co.op thực hiện được phân tích từ doanh thu của toàn bộ hệ thống siêu thị trực thuộc, cho thấy: 6 tháng đầu năm, mãi lực của các ngành hàng thường xuyên tăng từ 73% lên 75%, ngược lại, mãi lực của các ngành hàng không thường xuyên giảm từ 27% xuống còn 25%.
Trong ngành hàng thường xuyên, nhóm sản phẩm tăng mạnh nhất là thực phẩm công nghệ, bao gồm những sản phẩm thiết yếu như gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn tăng 5% (khoảng 150 tỉ đồng); nhóm thực phẩm tươi sống, sơ chế, chế biến, nấu chín tăng 1% (khoảng 30 tỉ đồng).
Ở ngành hàng không thường xuyên, nhóm hóa mỹ phẩm giảm 3% (khoảng 90 tỉ đồng). Giảm mạnh là các loại kem dưỡng da, dưỡng thể, thuốc nhuộm tóc, lăn khử mùi... có giá bán trên 100.000 đồng/sản phẩm.
Tương tự, sức mua các sản phẩm may mặc cũng giảm 2% (khoảng 60 tỉ đồng).
Nổi lên trong nhóm các sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất trong 6 tháng tại hệ thống Co.opMart ngoài các mặt hàng thiết yếu còn là đồ dùng gia đình với mức tăng 32%, đặc biệt là hai sản phẩm bếp điện từ, đèn sạc bán rất chạy.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, chưa thể kết luận chính xác, nhưng nhiều khách hàng cho biết, giá gas tăng liên tục nên chuyển sang dùng bếp điện từ để tiết kiệm và nhiều gia đình sử dụng đèn sạc hơn khi thời gian gần đây tình trạng cúp điện diễn ra thường xuyên.
Kết quả phân tích trên cho thấy, trong thời buổi lạm phát, người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu những sản phẩm chưa thật sự cần thiết để dành cho những sản phẩm thiết yếu hằng ngày.
Thay đổi thói quen mua sắm còn thể hiện qua đợt khảo sát nhanh của một số siêu thị trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, các mặt hàng thiết yếu bày bán tại siêu thị có mức giá ổn định hơn bên ngoài, nhất là vào những thời điểm xảy ra cơn sốt giá. Đây là yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng chuyển sang mua sắm tại siêu thị với mức tăng 10% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp ứng phó với xu hướng mới
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Nếu trong thời buổi lạm phát, người tiêu dùng chỉ bo bo giữ tiền mà không chi tiêu thì không thể giải quyết được căn bệnh lạm phát.
Chỉ có điều, thay vì dùng những sản phẩm xa xỉ, cao cấp thì nên chuyển sang những sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN, lưu ý: Người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước không chỉ có giá trị vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay mà còn có ý nghĩa quan trọng khi đầu năm 2009, thị trường bán lẻ VN phải đối mặt với cuộc đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh, DN không thể đòi hỏi người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước vô điều kiện mà bản thân các DN phải cam kết đưa ra thị trường sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh với nhiều dịch vụ, khuyến mãi hấp dẫn.
Một trong những hành động ứng phó được các DN đề xuất thực hiện là liên kết bán hàng ngay tại nội bộ công ty. Chẳng hạn như Công ty Kinh Đô, Bia Sài Gòn, Nhôm Kim Hằng... sẽ giới thiệu hàng hóa của các đơn vị liên kết với công nhân tại các nhà máy trên.
Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh, cho biết: Công ty sẽ phối hợp với một số DN thực phẩm bán sản phẩm tại căng-tin của nhiều nhà máy.
Dệt may Thành Công sẽ cùng với một số đối tác dự kiến phát hành coupon để liên kết bán hàng với nhiều ưu đãi và quảng bá sản phẩm.
Về phía nhà phân phối, biện pháp cần thiết nhất theo ông Nguyễn Ngọc Hòa là phải thu hẹp chủng loại hàng hóa để không tốn nhiều chi phí quản lý những sản phẩm kinh doanh không hiệu quả.
Thực tế, hiện chỉ có 20% nhóm hàng đem lại 80% doanh thu, vì vậy Saigon Co.op sẽ cùng với nhà sản xuất, nhà cung cấp chọn lọc lại danh mục hàng hóa bày bán tại siêu thị.
Ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, khẳng định sẽ đẩy mạnh tỉ lệ hàng hóa nội địa mà DN này đang phân phối từ 60% lên từ 70% - 80%.
Tập trung giảm giá sản phẩm
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết: Hiện nay, các chương trình khuyến mãi liên quan đến giá cả là dễ thu hút khách hàng nhất.
Nắm được yếu tố này, các DN đã cắt giảm các hình thức marketing khác như quảng cáo, tài trợ, tặng sản phẩm... để tập trung giảm giá trực tiếp trên sản phẩm.
Gần đây, nhiều khách hàng vào siêu thị đều hỏi về khu bán hàng giảm giá. Ngay cả cẩm nang mua sắm của hệ thống siêu thị Co.opMart cũng chỉ thông tin sản phẩm giảm giá và đẩy mạnh phát hành từ 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng.
|
Theo Mai Vân
Người lao động |